Quản lý taxi sân bay, phải thay đổi thôi!

Người Sài Gòn lâu nay được tiếng là sống hào sảng, tốt bụng và nghĩa tình. Không biết những tài xế taxi gắn thiết bị gian lận tiền cước gấp 10 lần có thấy xấu hổ khi làm hoen ố danh xưng cao quý này không?

Hai taxi có gắn thiết bị gian lận, làm sai lệch tiền cước bị lực lượng chức năng đưa về Đồn công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xử lý - Ảnh: MINH HÒA

Hai taxi có gắn thiết bị gian lận, làm sai lệch tiền cước bị lực lượng chức năng đưa về Đồn công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xử lý – Ảnh: MINH HÒA

Thật ra chuyện taxi gian lận với khách không phải mới. Chuyện này diễn ra từ lâu lắm rồi. Người dân ai cũng biết. Có thể chính họ hay người thân của họ đã bị dính, vì hầu hết người dân thành phố này ai mà chẳng có ít nhất một lần phải đến sân bay.

Nhất định không phải đây là lần đầu, hay đơn lẻ như hai công ty taxi cho là chỉ vài “con sâu”. Chuyện trở nên đình đám chỉ bởi báo Tuổi Trẻ đã dũng cảm đeo bám để vạch trần một sự thật mà ai cũng biết qua những bằng chứng thuyết phục.

Trong khi đó, mức 700.000 đồng tiền phạt hành chính chắc chắn không làm họ chùn tay. Cấm họ hành nghề công ty này họ lại chạy sang công ty khác mà thôi.

Mới đây, các báo của Thái Lan đưa tin ngày 18-5-2023, một người Việt Nam bán hàng rong ở huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi đã sửa cân, bán cho khách một quả sầu riêng 4kg thành 4,5kg, ăn gian 75 baht (tương đương khoảng 50.000 đồng Việt Nam).

Người này bị bắt giam ngay và phải đối mặt với 7 năm tù giam, đồng thời bị phạt 8.000 USD (khoảng 200 triệu đồng Việt Nam) vì vi phạm Luật đo lường của Thái.

Đọc được tin này, chúng ta mới hiểu vì sao khách du lịch quốc tế thích đến Thái Lan.

Sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, TP.HCM sẽ được giao nhiều quyền hơn bằng nghị quyết mới thay thế cho nghị quyết 54, liệu thành phố có nên tính đến một thẻ xanh cho người lao động với những ràng buộc pháp lý thật chặt chẽ và rõ ràng?

Ở các nước quanh chúng ta, những người lao động vi phạm luật, có những hành động làm xấu thành phố sẽ bị trả về nơi xuất cư, hoặc bị cấm làm một số ngành nghề đòi hỏi phải có đạo đức, chưa kể sự tẩy chay của cộng đồng sẽ làm cho họ không thể sống như thế được nữa.

Cuối cùng, không thể không xem xét trách nhiệm quản lý ở sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào. Như hiện nay thì không ổn, bởi có quá nhiều chuyện lình xình xảy ra.

Tới đây, khi đưa nhà ga T2 vào hoạt động, số lượng khách sẽ tăng lên bội phần, các hoạt động đa dạng, phức tạp sẽ nhiều và dồn dập hơn mà nếu điều hành như hiện nay thì những chuyện bất ổn sẽ lại tiếp tục xảy ra.

Mục tiêu của quản lý là gì? Là hoạt động hiệu quả, là sự hài lòng của hành khách chứ không phải chỉ là lợi nhuận kiếm được bao nhiêu, chảy vào túi ai.

Sân bay Tân Sơn Nhất được coi là một cái bánh to, ai cũng muốn nhảy vào, nhưng quá nhiều đơn vị, quá nhiều hoạt động mà không kiểm soát được sẽ gây bất ổn.

Nên chăng lập ra một bộ phận quản lý chuyên trách theo địa bàn, điều đó có nghĩa mọi hoạt động trên địa bàn sân bay chỉ do một bộ phận quản lý, điều hành, trong đó tất nhiên là cả hoạt động vận tải cũng như các dịch vụ khác như vệ sinh, môi trường, an ninh, bán hàng, trông giữ xe…

Sân bay là nơi mà khách đặt chân đến đầu tiên khi đến một quốc gia khác. Thái độ hành động của hải quan, an ninh, nhân viên phục vụ mặt đất và tài xế taxi ảnh hưởng rất nhiều đến sự chọn lựa của du khách.

Phải thay đổi thôi, người dân Sài Gòn không chấp nhận cứ mãi như thế được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0937 674 164